1. Thông tư 78 về hóa đơn điện tử là văn bản nào? Có hiệu lực khi nào?
Thông tư 78 về hóa đơn điện tử chính là Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022.
Luật Kế toán và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (cập nhật ngày 12/12/2023)
Thông tư 78 về hóa đơn điện tử (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 78 về hóa đơn điện tử?
Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm: ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác; xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
– Một số nội dung về hóa đơn giấy gồm: tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in, ký hiệu mẫu số hóa đơn là tem, vé, thẻ do Cục Thuế đặt in.
– Sử dụng biên lai, chứng từ.
– Hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.
(Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
3. Đối tượng nào áp dụng hướng dẫn của Thông tư 78 về hóa đơn điện tử?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư 78/2021/TT-BTC, đối tượng áp dụnghướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTClà tổ chức, cá nhân sau đây:
(i) Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Hộ, cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác;
– Đơn vị sự nghiệp công lập có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
– Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh.
(ii) Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ.
(iii) Tổ chức thu thuế, phí và lệ phí.
(iv) Người nộp thuế, phí và lệ phí.
(v) Tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
(vi) Tổ chức nhận in hóa đơn, chứng từ; tổ chức cung cấp phần mềm tự in chứng từ; tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn, chứng từ điện tử.
(vii) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế (bao gồm cả Chi cục Thuế khu vực).
(viii) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
(ix) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn và chứng từ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ – Nghị định 123/2020/NĐ-CP
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.