Hóa đơn chiết khấu thương mại có được ghi âm không?
Hóa đơn chiết khấu thương mại không được ghi âm. Chỉ trong trường hợp có sai sót về giá trị thì được lập hóa đơn điều chỉnh, điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm). Cụ thể,
Căn cứ điểm đ khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định, trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì phải thể hiện rõ khoản chiết khấu thương mại, khuyến mại trên hóa đơn.
Khoản 2 Điều 19 Nghị định này quy định, trường hợp hóa đơn điện tử đã gửi cho người mua mà người mua/người bán phát hiện có sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế thì được lựa chọn lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Đồng thời, theo điểm e khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, đối với nội dung về giá trị có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.
Tuy nhiên, tại khoản 22 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC có nêu, trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh.
Tức là, trên hóa đơn điện tử phải thể hiện rõ khoản chiết khấu thương mại. Trường hợp việc chiết khấu được thực hiện sau thì bên bán phải lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh.
Như vậy, chiết khấu thương mại không phải khoản điều chỉnh giảm do hóa đơn có sai sót nên không áp dụng việc ghi số âm nhưng phần giá trị chiết khấu sẽ được tính giảm trừ trong giá tính thuế GTGT.
Chỉ trong trường hợp hóa đơn chiết khấu thương mại có sai sót về số tiền, thuế suất, tiền thuế thì mới được lập hóa đơn điều chỉnh tăng (ghi dấu dương) hoặc điều chỉnh giảm (ghi dấu âm).
Cách viết hóa đơn chiết khấu thương mại
Trường hợp 1: Chiết khấu ngay khi mua hàng
Nếu hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn sẽ ghi giá bán đã chiết khấu dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Ví dụ:
Ngày 12/09/2023, Công ty A tổ chức chương trình mua tủ lạnh Samsung 236 lít trị giá 5.500.000 đồng/cái (giá chưa thuế) được chiết khấu ngay 5% (275.000 đồng/cái).
Như vậy giá bán chưa thuế là: 5.500.000 – 275.000 = 5.225.000 đồng.
Trường hợp 2: Chiết khấu theo số lượng, doanh số
Số tiền chiết khấu sẽ được điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc lần mua của kỳ tiếp theo:
– Nếu số tiền chiết khấu nhỏ hơn so với số tiền trên hóa đơn của lần mua cuối cùng thì có thể trừ trực tiếp trên hóa đơn đó;
– Nếu số tiền chiết khấu lớn hơn so với số tiền trên hóa đơn của lần mua cuối cùng thì phải lập hóa đơn điều chỉnh giảm kèm bảng kê chi tiết các hóa đơn trước đó.
Ví dụ 1:
Công ty A ký hợp đồng số 009-2023/HĐKT với Công ty B về việc mua 10 cây lọc nước Sunhouse trị giá 4.000.000 đồng/cái được chiết khấu 10% (400.000 đồng/cái).
- Lần 1: Công ty B mua 4 cái: Đơn giá ghi trên hóa đơn 4.000.000 đồng/cái vì chưa đủ điều kiện hưởng chiết khấu;
- Lần 2: Công ty B mua 2 cái: Đơn giá ghi trên hóa đơn 4.000.000 đồng/cái vì chưa đủ điều kiện hưởng chiết khấu;
- Lần 3: công ty B mua 4 cái: Đủ điều kiện hưởng chiết khấu, nên công ty sẽ được chiết khấu 10%.
Tổng số tiền chiết khấu: 400.000 x 10 = 4.000.000 nhỏ hơn giá trị của hóa đơn cuối cùng (4 x 4.000.000 = 20.000.000 đồng) nên có thể trừ số tiền chiết khấu vào hóa đơn này.
Ví dụ 2:
Công ty A ký hợp đồng số 010-2023/HĐKT với công ty B, nếu mua 10 Tivi Samsung 32inch 5.500.000 đồng/cái thì chiết khấu 12% (660.000 đồng/cái).
- Lần 1 công ty B mua 5 cái: đơn giá ghi trên hóa đơn 5.500.000 đồng/cái vì chưa đủ điều kiện hưởng chiết khấu;
- Lần 2 công ty B mua 4 cái: đơn giá ghi trên hóa đơn 5.500.000 đồng/cái vì chưa đủ điều kiện hưởng chiết khấu;
- Lần 3 công ty B mua 1 cái: đủ điều kiện hưởng chiết khấu, nên công ty sẽ được chiết khấu 12%.
Tổng số tiền được chiết khấu: 660.000 x 10 = 6.600.000 lớn hơn giá trị của hóa đơn cuối cùng (1 x 5.500.000 = 5.500.000 đồng) không thể trừ vào hóa đơn cuối cùng nên phải lập 1 hóa đơn điều chỉnh giảm đơn giá kèm bảng kê các hóa đơn lần 1, lần 2 và lần 3.
Trường hợp 3: Số tiền chiết khấu được lập sau khi kết thúc chương trình hoặc kỳ chiết khấu
Sau khi kết thúc chương trình chiết khấu thì người bán sẽ lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh số tiền, tiền thuế điều chỉnh trước đó.
Hóa đơn kèm bảng kê lập tương tự như ví dụ 2 của trường hợp 2.
Trên đây là giải đáp về vấn đề hóa đơn chiết khấu thương mại có được ghi âm không, nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.