Chấm dứt sử dụng hóa đơn giấy từ ngày 1/7/2022 27/10/2020 16:09:00 6914

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, hóa đơn giấy sẽ chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6/2022, từ ngày 1/7/2022 chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử vừa được Chính phủ ban hành thì tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ phải cấp hóa đơn cho người mua. Đồng thời, người mua cũng phải có trách nhiệm yêu cầu người bán giao hóa đơn khi mua hàng.

Theo đó, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng; quản lý các hoạt động tạo hóa đơn theo quy định; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan Thuế trong trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan Thuế. Người bán hàng hóa dịch vụ còn phải công khai cách tra cứu, nhận file gốc hóa đơn điện tử của người bán tới người mua hàng hóa, dịch vụ; báo cáo việc sử dụng hóa đơn cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp trong trường hợp mua hóa đơn của cơ quan Thuế theo mẫu quy định.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu người mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn; thực hiện ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.

Ngoài ra, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu người mua hàng hóa, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn đúng mục đích; cung cấp thông tin trên hóa đơn cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan Thuế đặt in thì phải cung cấp hóa đơn bản gốc, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì thực hiện quy định về việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử.

Bên cạnh đó, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của cơ quan Thuế trong việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, hóa đơn do cơ quan Thuế đặt in, chứng từ điện tử để phục vụ công tác quản lý thuế, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan khác như Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng…

Các Cục Thuế có trách nhiệm quản lý hoạt động tạo, phát hành hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đặt in, phát hành các loại hóa đơn để bán cho các đối tượng theo quy định; thanh tra, kiểm tra hoạt động tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn, chứng từ trên địa bàn. Các Chi cục Thuế có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; sử dụng chứng từ điện tử trong phạm vi được phân cấp quản lý; theo dõi, kiểm tra hoạt động hủy hóa đơn, chứng từ theo quy định trong phạm vi được phân cấp quản lý thuế.

Để quản lý chặt chẽ hóa đơn, chứng từ điện tử, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, người nộp thuế và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu về hóa đơn điện tử. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực: Điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dữ liệu điện tử về giao dịch thanh toán qua tài khoản của các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thuế việc cung cấp thông tin khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Tổ chức sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc đối tượng sử dụng tem theo quy định của pháp luật thực hiện kết nối thông tin về in và sử dụng tem, tem điện tử giữa tổ chức sản xuất, nhập khẩu với cơ quan quản lý thuế. Thông tin về in, sử dụng tem điện tử là cơ sở để lập, quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử. Các đối tượng sử dụng tem có trách nhiệm chi trả chi phí in và sử dụng tem theo quy định của Bộ Tài chính.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định các tổ chức, đơn vị như: Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cơ quan Công an, Giao thông, Y tế và các cơ quan khác có liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu liên quan cần thiết trong lĩnh vực quản lý của đơn vị với Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin nên áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022./.

Mai Linh